Không gian kiến trúc cho nhà ở biệt thự


Nhà ở biệt thự thường có sự phân biệt rạch ròi giữa không gian chung và riêng tư. Nhà có những yêu cầu, tiện nghi riêng gắn liền với người sử dụng. Khi xây dựng một căn nhà như vậy, bạn cần phải biết về những “tiêu chuẩn thiết kế” của một không gian sống mới trong nhà ở nói chung và nhà ở biệt thự nói riêng. Cùng Thiên Phố tìm hiểu nhé.
 
Không gian kiến trúc biệt thự tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế nhất định.
Không gian sử dụng chung
Không gian công cộng được hiểu khái quát là không gian chung phục vụ cho nhiều người gồm sảnh, phòng khách, khu sinh hoạt chung...

Mặt bằng biệt thự tiêu chuẩn điển hình với các không gian như sảnh, khách – bếp – ăn, các phòng ngủ, hiên nghỉ, bathroom.
Sảnh trong nhà ở biệt thự là không gian không thể thiếu. Một phòng sảnh hợp lý sẽ tạo cảm giác trang trọng cho ngôi nhà và cũng giúp không gian bên trong được kín đáo, ngăn nắp và sạch sẽ hơn rất nhiều. Ngoài chức năng đón khách, phòng sảnh còn là nơi để các đồ sử dụng thường nhật như giày dép, mũ, nón, áo khoác ngoài, đồ che mưa... Một phòng sảnh có diện tích vừa phải, phù hợp với tổng thể chung của nhà sẽ tạo cảm giác gần gũi và ấm cúng cho người sử dụng. Trên thực tế phòng sảnh trong nhà ở biệt thự thường từ 6 đến 10 m2.
Phòng khách trong nhà ở biệt thự chỉ có chức năng chính là tiếp đón khách. Một phòng khách luôn cần tạo sự sang trọng và lịch sự, không nên bày biện quá nhiều mà nên chọn lọc một số đồ nội thất thiết yếu và một số đồ trưng bày có giá trị thẩm mỹ cao. Phòng khách nên rộng rãi, thoáng và nên có góc nhìn ra vườn hoặc phong cảnh tự nhiên. Phòng khách rộng đến mức nào còn phụ thuộc theo tổng diện tích của ngôi nhà. Thông thường phòng khách nên từ 20 đến 25 m2 cho nhà biệt thự loại nhỏ; từ 25 đến 30 m2 cho nhà biệt thự loại trung bình, từ 30 đến 40 m2 cho nhà biệt thự loại lớn và từ 40 m2 trở lên cho dinh thự.
Khu sinh hoạt gia đình gồm phòng ăn chính, bếp, phòng sinh hoạt chung gia đình. Khu sinh hoạt gia đình nên thiết kế liên hoàn và gắn kết chặt chẽ với nhau. Phòng ăn (phòng tiệc) nên là phòng nối với phòng khách và khu cầu thang chung. Phòng ăn chính là nơi sử dụng cho gia đình và là nơi tổ chức tiệc chiêu đãi trong những dịp đặc biệt. Không gian này nên ấm cúng, lịch sự và cần thiết kế rộng rãi. Thường một phòng ăn chính nên sử dụng cho 8 -12 người. Đây cũng là không gian để mọi người trò chuyện trước bữa ăn nên có thể kết hợp những đồ bày có giá trị về kỷ niệm của gia đình; những đồ bày tao nhã, xinh xắn cũng sẽ giúp cho không gian phòng ăn trở nên đầm ấm hơn. Một phòng ăn chính trong nhà ở biệt thự nên có diện tích từ 20 đến 30 m2 và nên mở rộng tối đa hướng nhìn ra vườn cảnh của nhà.
Khu bếp luôn là yếu tố quan trọng trong nhà ở nói chung. Với nhà biệt thự, một khu bếp tiêu chuẩn ngoài những yêu cơ bản về công năng sử dụng như tam giác hình học bếp nấu - chậu rửa - tủ lạnh không nên vượt quá 5m hay những thiết bị tiện ích khác thì bạn còn phải lưu ý thêm một vài tiêu chuẩn. Một căn bếp tốt sẽ luôn cần một bàn gia công thực phẩm sạch kết hợp làm bàn soạn đồ ăn, một bàn ăn nhanh đa năng cho 2 - 4 người kết hợp làm bàn sơ chế cho người nội trợ sử dụng; một tủ bát đĩa riêng và một kho đồ bếp riêng sẽ giúp cho căn bếp của bạn luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Có nhiều dạng sơ đồ bố trí một khu bếp như dạng thẳng, chữ U, chữ L hay dạng song song... Bếp nên sáng sủa và cần được thông thoáng tốt. Nên bố trí hệ chậu rửa gần cửa sổ lấy sáng tự nhiên. Bạn nên thiết kế khu bếp sao cho hợp lý nhất về sơ đồ bố trí và cả diện tích sử dụng để giảm tối đa thời gian di chuyển của người nội trợ trong bếp.
Phòng sinh hoạt chung của gia đình gắn liền khu phòng ăn chính và khu bếp có lẽ vẫn còn khá “xa xỉ” trong nhà ở hiện nay. Thực chất, phòng này thường được sử dụng nhiều trước và sau bữa ăn. Phòng sinh hoatj chung là nơi tụ họp các thành viên trong gia đình khi ở nhà, là nơi giúp mọi người trò chuyện và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Trong các ngày thường thì phòng sinh hoạt chung chỉ được sử dụng nhiều vào buổi tối nên không cần thiết phải có một phòng gia đình quá lớn, chỉ thường từ 20 đến 25 m2.

Phòng sinh hoạt chung cho gia đình. Một số trường hợp có thể kết hợp giữa phòng sinh hoạt chung với phòng giải trí đa năng.
Phòng giải trí đa năng trong nhà thường là nơi tổ chức hoạt động vui chơi như xem phim, nghe nhạc, chơi game, văn nghệ và có thể một số trò chơi bổ ích khác. Phòng giải trí đa năng cũng có thể kết hợp làm phòng chơi cho trẻ nhỏ và cũng nên bố trí thêm hệ quầy bar pha chế cho gia đình trong phòng này. Phòng giải trí đa năng nên rộng rãi, tốt nhất ở tầng 2 và nên kết hợp với hệ ban công hoặc logia rộng. Thường nên thiết kế phòng giải trí đa năng có diện tích từ 25 đến 40 m2.
Khu vệ sinh chung chỉ nên thiết kế ở các khu công cộng như gần phòng khách, phòng ăn chính, khu giải trí đa năng bởi trong nhà ở biệt thự thì tính độc lập và riêng tư cho mỗi phòng ngủ là rất quan trọng (thường mỗi phòng đã có vệ sinh riêng rồi). Nếu bạn cần một khu tắm đặc biệt cho cả gia đình (xông hơi, xông khô và bồn sục) bạn nên tổ chức thành một khu riêng biệt cho gia đình, nên bố trí ở tầng trên cùng hoặc trong vườn nếu có thể.
Một thư viện riêng sẽ thực sự hữu ích cho các thành viên trong gia đình. Thư viện gia đình có thể là nơi học tập, làm việc hay là một phòng truyền thống cho gia đình. Bạn nên bố trí thư viện ở khu yên tĩnh nhất của ngôi nhà và nên có diện tích vừa đủ.
Không gian riêng
Trong nhà ở nói chung, không gian riêng tư chủ yếu thuộc về các phòng ngủ riêng cho mỗi cá nhân trong gia đình.
Phòng ngủ lớn (thường dành cho chủ nhà) luôn cần bố trí ở nơi ít đi lại nhất trên một tầng. Phòng ngủ vợ chồng luôn đòi hỏi tiêu chuẩn diện tích rất cao và tiện nghi hơn hẳn những nơi khác. Một phòng ngủ vợ chồng tiêu chuẩn trong nhà ở biệt thự luôn cần các không gian đi kèm như phòng sảnh đệm (nơi tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài, làm tăng sự kín đáo, cũng có thể kết hợp đặt hệ kệ gương và đồ bày trang trí nhỏ. Nên thiết kế với diện tích vừa đủ và có phong cách tao nhã); phòng thay đồ (nơi để hệ tủ quần áo sạch, bẩn, tủ giày dép, mũ. Phòng đồ còn có thể sử dụng làm hệ tủ kho treo chứa chăn, ga phủ... nên thiết kế phòng đồ dài và có diện tích từ 8 đến 15 m2); phòng vệ sinh (thiết kế rộng với hệ tủ lavabo kết hợp bàn trang điểm, phòng tắm đứng, bồn tắm nằm và phòng xí riêng và có thể kết hợp với một số đồ bày, trang trí tự nhiên. Nên thiết kế với diện tích vừa đủ, từ 10 đến 15 m2).

Phòng ngủ chính thường dành cho chủ nhà luôn ưu tiên về diện tích và vị trí.
Phòng ngủ chính nên rộng với hệ giường đôi loại lớn, nhất thiết không kê giường áp tường. Phòng này nên có hệ tủ TV, sofa nghỉ, tủ đồ bày và hệ bàn viết. Nên thiết kế phòng ngủ chính rộng từ 30 m2 trở lên và có cửa sổ rộng hướng về phía có cảnh quan đẹp.
Phòng ngủ riêng cho các thành viên trong gia đình không cần diện tích quá lớn. Phòng chỉ cần hệ tủ đồ (nên làm âm tường), hệ bàn viết và có thể có tủ TV nếu cần. Phòng này nên có diện tích từ 18 m2.
Phòng ngủ cho gia nhân và dự phòng cho khách có diện tích vừa phải, hệ vệ sinh riêng đủ chức năng cơ bản.

Phòng ngủ riêng cho các thành viên diện tích sử dụng thoải mái, diện tích sử dụng thường 18 – 25m2.
Và đó là những gì Thiên Phố đã và đang làm nhằm đem đến cho khách hàng những tiện nghi, sự phục vụ ân cần, chu đáo luôn đặt chữ “Tín” là hàng đầu để khách hàng có thể đặt mọi sự tin tưởng và niềm tin ở Thiên Phố. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo đường dây nóng (08)54173837-0983040981 để được tư vấn, giải đáp các thắc mắc về thiết kế kiến trúc nhà ở, nội thất trong nhà một cách nhanh nhất nhé.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

35:35 Slope House / 77 Studio architecture

TOMORE zero Co-working Space / SIDES CORE

Phong cách thiết kế nội thất Industrial