Thiết kế vườn và cây xanh trong nhà phố


Xu hướng thiết kế vườn trong nhà phố hiện đang được nhắc đến nhiều, nhưng làm sao cho gọn và hiệu quả vẫn là điều cần quan tâm. Một ngôi nhà có cây xanh tươi tắn và thuận tiện chăm sóc không dễ thực hiện nếu làm tự phát, thiếu tư vấn của nhà chuyên môn. Cùng Thiên Phố khám phá và tìm hiểu một số cách thiết kế sân vườn đẹp nhé.
Về giếng trời
Chúng tôi thấy việc để trống 10 – 20% diện tích xây dựng để làm giếng trời không chỉ đem lại khoảng thông gió, có nắng mưa vào nhà mà còn là vị trí tốt để bố trí nơi trồng cây. Nguyên tắc đơn giản là “bí đâu mở đó” để mở giếng trời đúng vào chỗ ngôi nhà thiếu thông thoáng và cần cây xanh.
Ví dụ, mở phía sân sau sẽ thông thoáng cho bếp và phòng ăn, mở sân giữa lấy không khí cho khu cầu thang, vệ sinh, tạo tường xanh trong giếng trời rất hiệu quả.

Khi diện tích hẹp thì việc bố trí hoa lá trong giếng trời nên tính toán gọn gàng, và cần có hệ khung hay giàn làm điểm tựa cho cây cối. Nhóm cây thuộc họ trầu bà, dương xỉ… dễ dàng tươi xanh trong điều kiện ít nắng mưa trực tiếp. Có thể trồng cơ động trong giỏ nhỏ, treo móc linh hoạt.
Với những khung cửa sậm màu hoặc mảng tường gạch đá thô, nên dùng cây trong bình gốm và những loại hoa, lá có nét mềm mại, đôi khi chỉ là những chậu cúc vàng, hồng tỉ muội nhỏ nhắn hoặc bụi sả, cỏ lan chi… nhưng vẫn làm nên một nét đẹp riêng.
Về hồ cảnh
Nét Việt có thể tìm qua cây Việt, đó là cách nghĩ phù hợp khi làm sân vườn hay tiểu cảnh phong cách Việt. Dĩ nhiên các gia chủ có kinh phí dồi dào hay thích tìm những loại cây quý hiếm, cây mang tên Lộc, Tài, Tuế… là do nếp quen nghe tên đoán ý, mong mỏi may mắn cát tường. Một chậu nước thả sen súng, một mảng tường có dây leo… cũng rất gần gũi, ra kiểu Việt rồi.

Theo chúng tôi, vườn trong nhà chúng ta cần phải phong phú, xinh xắn, mộc mạc, tự nhiên, đừng xén đều tăm tắp như vườn Tây, còn với thiết kế trồng bonsai quý hiếm, treo đèn lồng, đặt đèn đá, tạo cảnh ngoạn mục…thì ít nhiều ảnh hưởng kiểu vườn Nhật, vườn Trung Hoa.
Về ban công
Tại nhà phố, ban công hoặc sân thượng nếu nắng mưa đầy đủ có thể kết hợp chút thảm cỏ (cỏ mật, cỏ chỉ) xen lẫn với một số hoa nhỏ. Chú ý phối hợp với trụ đá, sỏi cuội làm giới hạn cho mảng xanh và bố trí linh hoạt nhằm dễ thay đổi khi cần thiết. Lá đơn sắc nếu khéo sử dụng sẽ giúp khung cảnh ấn tượng hơn, như dương xỉ xanh non, trạng nguyên đỏ rực hay xương rồng xanh thẫm…

Nếu ban công ở hướng thoáng gió và có nắng, có thể đặt những chậu lan Ý, thiên điểu để mang chất nhiệt đới, tạo nét rắn rỏi tươi tắn mà lại ít tốn công chăm sóc. Cần tránh tình trạng “hợp chủng cây” để tạo sự đồng nhất cho không gian vườn nhà phố. Nên kê chậu trên gạch, giá đỡ hoặc sử dụng chậu có đĩa bên dưới để giúp thoát nước tốt và không làm ố bề mặt sàn gạch.
Nhiều nhà có kiến trúc hiện đại nhưng lại gắn vào góc vườn hay trong giếng trời một hồ cảnh non bộ với kiểu thác nước sơn thủy của Trung Hoa, theo chúng tôi là chưa phù hợp lắm. Về mặt phong thủy, làm sân vườn trong nhà ở khác với sân vườn công viên công cộng, phải xét đến nhiều yếu tố liên quan trên cơ sở chữ “An” trong lòng gia chủ là quan trọng hơn cả.
Nếu mảng tiểu cảnh giúp gia chủ mỗi ngày nhìn ngắm cảm thấy thư thái, dễ chịu thì rất tốt. Ngược lại, vì thấy ở nhà khác làm hay hay nên muốn làm theo thì chưa chắc đã phù hợp về ánh sáng, kỹ thuật, sinh hoạt… của nhà mình, làm phản tác dụng.
Do đó, không phải vô cớ mà phong cách vườn Việt Nam khá đơn giản và ít đi vào khuôn thức gò bó nhìn mặt đặt tên như vườn của các nước châu Âu hoặc Bắc Á. Ví dụ hồ nước cây xanh đặt gần cửa sổ mới cân bằng âm dương nhờ có ánh sáng bên ngoài, còn đặt trong góc nhà tối tăm sẽ gây âm thịnh dương suy, độ ẩm tăng cao, không tốt cho nội thất.
Thực tế cha ông ta cư xử với thiên nhiên rất khéo, mùa nào thức nấy, chọn cây gì đều cân nhắc nhiều mặt, không lợi là không làm. Hiện nay đá hộc, gạch trồng cỏ, sỏi cuội… đang được sử dụng cho tiểu cảnh nội thất ngày càng nhiều. Một số kiểu cách hoang sơ, vườn khô, mảng tường xù xì lúc mới xuất hiện cũng khá lạ mắt, nhưng nếu lạm dụng sẽ khiến các không gian trở nên nặng nề, thiếu gọn ghẽ và không “sạch sẽ”.
Và nếu làm mảng tiểu cảnh khô rải sỏi thì phải chú ý có khoảng nhìn ngắm tương xứng, tránh làm theo kiểu “nhồi nhét” ở một góc khuất góc kẹt nào đó trong nhà. Theo chúng tôi yếu tố tự nhiên cần xem trọng khi muốn tạo nét đẹp cho mảng xanh trong nhà phố dù là đá hay cây cối cần thật tự nhiên, tránh sắp đặt quá mức.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn có thêm những lựa chọn phù hợp để thiết kế tiểu cảnh trong ngôi nhà của mình. Nếu bạn băn khoăn, đắn đo không biết phải thiết kế ngôi nhà mình như thế nào để ấn tượng nhất, đừng ngại hãy liên ngay với Thiên Phố qua đường dây nóng (028)54173837-0983040981 để được tư vấn thiết kế và giải đáp thắc mắc nhanh nhất nhé.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

35:35 Slope House / 77 Studio architecture

TOMORE zero Co-working Space / SIDES CORE

Phong cách thiết kế nội thất Industrial