Phong cách tối giản trong kiến trúc và thiết kế nội thất
Xuất
hiện từ những năm 1970, Minimalism được xem là một nhánh của phong cách đương đại.
Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các lĩnh vực như thời trang, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ
họa,..và kiến trúc – nội thất cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Hãy tìm hiểu
Minimalism có ảnh hưởng như thế nào tới kiến trúc và thiết kế nội thất nhé!
Minimalism là gì?
Phong
cách Minimalism (tối giản, tối thiểu) là một phong cách thể hiện
những khuynh hướng đa dạng của nghệ thuật, đặc biệt trong nghệ thuật thị
giác và âm nhạc mà các tác phẩm được tối giản vể những yêu cầu
thiết yếu nhất của nó.
Phong
cách tối giản xuất phát trong nghệ thuật phương Tây từ sau Chiến tranh thế giới
thứ 2, rõ nét nhất là trong nghệ thuật thị giác với các tác phẩm hội họa của Mark
Rothko. Khái niệm này dần dần được mở rộng để bao hàm cả những khuynh hướng
trong âm nhạc mà đặc điểm là sự lặp lại, điển hình là các tác phẩm của Steve
Reich, Philip Glass và Terry Riley. Phong cách tối giản có
nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của chủ nghĩa Hiện đại, được kết
hợp với chủ nghĩa Hậu hiện đại và được xem như phản ứng đối ngược lại
với chủ nghĩa Biểu hiện trong nội dung cũng như trong bố cục tác phẩm.
Phong cách
Minimalism trong kiến trúc
Tối
giản – có thể hiểu là đi đến tận cùng của sự đơn giản, đơn giản hết mức có thể. Phong
cách tối giản có ảnh hưởng rộng lớn ở khắp các ộ môn nghệ thuật, các ngành thiết
kế – sáng tạo. Phong cách tối giản có mặt trong hội hoạ, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ
hoạ, tạo dáng công nghiệp, thời trang,…và tất nhiên trong cả kiến trúc – khi mà
kiến trúc vẫn gần gũi với những bộ môn nghệ thuật kinh điển.
Kiến
trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969) – một trong những bậc
thầy của kiên trúc hiện đại thế giới, được coi là cha đẻ của phong cách kiến
trúc tối giản. Quan điểm của ông thể hiện ở câu châm ngôn “Less is more”
(tạm dịch: ít là nhiều, càng ít càng tốt). Những công trình trong thời
gian này của Mies van der Rohe đã đặt nền móng cho phong cách kiến trúc tối giản
với những quan điểm mới về việc tổ chức không gian kiến trúc, với kết cấu, vật
liệu mới là thép và kính. Sau những biến động của chính trị, thời cuộc ở châu
Âu, ông chuyển sang sinh sống và làm việc tại Mỹ vào năm 1937, tiếp tục theo đuổi
trường phái kiến trúc của mình. Kiến trúc của Mies van der Rohe là những không gian
trong sạch, đơn giản, tinh tế, trật tự: là những đường thẳng, những mặt phẳng,
những góc vuông,… bộc lộ rõ cấu trúc của hệ thống kết cấu.
Hội trường Crown – Ludwig Mies van
der Rohe
Ở
phương Đông, Nhật Bản được coi là bậc thầy của phong cách tối giản trong kiến
trúc.Phong cách này hiện diện trong phần lớn kiến trúc Nhật Bản, từ kiến trúc
hiện đại cho tới những công trình mang âm hưởng truyền thống. Tính tối giản thể
hiện nhất quán từ hình thức kiến trúc cho tới nội thất công trình, kết hợp nhuần
nhuyễn giữa một khuynh hướng hiện đại với những giá trị văn hoá – tinh thần truyền
thống của Nhật Bản. Nhiều kiến trúc sư Nhật Bản thành công và ghi đậm dấu ấn với
phong cách tối giản, chủ nghĩa tối giản trong kiến trúc, mà tiêu biểu là kiến
trúc sư Tadao Ando. Những công trình của Tadao Ando thực sự là những tác phẩm
nghệ thuật của không gian và ánh sáng, của sự giao hoà của kiến trúc và thiên
nhiên, mang một cá tính đặc sắc và đầy sáng tạo.
Công trình nhà ở cực kì ấn tượng
qua sự thiết kế của kiến trúc sư Tadao Ando
Những đặc điểm cơ bản
của Minimalism trong kiến trúc
Less
is more – đó là sự khởi nguồn, tư tưởng, triết lý, là nguyên tắc chủ đạo mà kiến
trúc sư Mies van der Rohe đã đề ra. Đối ngược lại với trường phái cổ điển
và nhiều trường phái khác làm đầy, làm đẹp, làm hoàn thiện kiến trúc bằng những
chi tiết, bằng trang trí nội thất; kiến trúc tối giản tự hoàn thiện bằng những
gì ít nhất có thể – đó chính là nhiều. Ít nhất, cũng là hướng tới sự hoàn mỹ và
thành công. Từ xuất phát đó, thì “hạn chế” là một trong những nguyên tắc – biểu
hiện cụ thể của kiến trúc tối giản.
Hướng
tới giá trị của không gian – bản chất của kiến trúc là không gian. Kiến
trúc tối giản hướng tới giá trị đó và tạo lập không gian chặt chẽ, khúc chiết,
cô đọng, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng. Sự đơn giản của hình thức tổng thể,
chi tiết kiến trúc, sự tiết chế trong sử dụng vật liệu, màu sắc… nhằm đem lại
tính tập trung vào không gian và đưa không gian thành nội dung chủ đạo của công
trình. Không gian của kiến trúc tối giản có tính cân bằng, tĩnh tại, thuần khiết,
được tạo nên bởi những mảng tường, mảng trần phẳng, đồng nhất, những đường thẳng,
những hình khối đơn giản và những khoảng trống lớn. Việc loại bỏ, hạn chế các
chi tiết, màu sắc, những thứ không cần thiết nhằm hướng sự tập trung cho không
gian kiến trúc. Chính không gian tạo nên xúc cảm chứ không phải bởi những chi
tiết trang trí, đồ đạc hay điều gì khác.
Tạo hình kiến trúc
và màu sắc đạt đến sự tối giản
Hướng
tới bản chất và bản ngã: về
mặt hình thức thuần tuý, có thể nhận thấy kiến trúc tối giản mang lại sự khô cứng,
nhàm chán và đơn điệu, thậm chí lạnh lùng và thiếu thân thiện. Nhưng bản chất của
kiến trúc không nằm ở cái vỏ bề ngoài. Và để cảm nhận được điều đó, ngoài đôi mắt
để nhìn, phải cần có một tư duy rộng mở, khám phá. Một kiến trúc sẽ tối giản
khi chủ nhân hiểu rõ được bản ngã của mình, và kiến trúc sư chuyển hoá bằng
ngôn ngữ kiến trúc. Và cũng chỉ khi hiểu rõ chính mình thì chủ nhân mới thực sự
làm chủ và gắn bó được với ngôi nhà.
Kiến
trúc tối giản có sự tương đồng với văn hoá truyền thống và Thiền tông Nhật Bản
(Zen). Zen nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự trầm tư mặc tưởng
hơn là việc đọc kinh kệ và các nghi thức tôn giáo cũng như lý luận về giáo
pháp. Zen truyền tải những tư tưởng tự do và bản chất cuộc sống. Kiến trúc tối
giản hướng tới bản chất của kiến trúc là không gian, đề cao bản chất của không
gian và vật liệu. Chính vì lẽ đó, kiến trúc tối giản hoà nhập với văn hoá truyền
thống Nhật Bản, tạo nên những không gian mang tính Thiền và những giá trị văn
hoá mới thông qua kiến trúc.
Nghệ
thuật ánh sáng:
ánh sáng là một yếu tố cấu thành nghệ thuật kiến trúc. Với kiến trúc tối
giản, ánh sáng rất quan trọng và càng có ý nghĩa hơn, nhất là ánh sáng tự
nhiên. Màu sắc ở phong cách tối giản hạn chế nên ánh sáng là một thành phần chủ
đạo để trang trí và tạo nên giá trị thẩm mỹ thông qua hiệu ứng thị giác. Ánh
sáng tự nhiên luôn biến đổi và làm thay đổi những cảm nhận, cảm xúc của người đứng
trong không gian đó. Ánh sáng được chủ định trong thiết kế để nhấn mạnh những
thành phần, những khu vực chính; làm nổi bật hình khối kiến trúc, nội thất;
dùng để dẫn tuyến hoặc tạo nên những khối sáng, bóng đổ theo ý đồ… Ánh sáng
cùng hiệu ứng bóng đổ được khai thác thông qua những ô cửa, những vách kính,
mái, những khoảng trống, những cấu kiện của hệ kết cấu, qua hệ thống rèm hay cả
những tán cây. Ánh sáng nhân tạo cũng được nghiên cứu rất kỹ, tính toán cẩn thận
trong ý đồ diễn tả cấu trúc không gian và những thành phần nội thất.
Phong cách tối giản
trong thiết kế nội thất
Phong
cách bố trí nội thất “minimalist” hiện đang rất được ưa chuộng bởi sự giản
dị và tinh tế trong không gian mà nó mang lại. Phong cách Minimalism nghĩa
là sử dụng những đường nét đơn giản, thật ít chi tiết, giảm thiểu đồ nội
thất, mọi chi tiết đều có lý trong vị trí của mình. Trường phái này hiện tại
đang cực thịnh ở Châu Âu – cái nôi của trang trí nội thất. Phong cách
Minimalism ảnh hưởng rất mạnh đến xu hướng trang trí nội thất tại các nước Bắc
Âu trong những năm cuối thập kỷ 90 cho đến hiện nay, và có ảnh hưởng khá lớn ở
Châu Mỹ. Ở Châu Á, Nhật Bản được xem là bậc thầy của phong cách hiện đại và
tinh tế này và ta có thể tìm thấy âm hưởng của trường phái Minimalism trong hầu
hết các công trình kiến trúc Nhật đương đại lẫn truyền thống.
Những nguyên tắc cơ
bản trong thiết kế nội thất Minimalism
Less
is more – Ít là nhiều: phong
cách tối giản đúng như tên gọi của nó, chú trọng việc giảm thiểu đến tối
đa việc trang trí trong không gian nội thất.Đi ngược lại các tiêu chuẩn tranh
trí nội thất truyền thống về việc làm phong phú không gian bên trong với các vật
dụng và chi tiết trang trí phức tạp phong cách này hướng đến việc loại các vật
dụng thừa thãi nhằm giữ lại một không gian trống hoàn hảo. Chịu ảnh hưởng rất lớn
từ quan niệm cũng như phong cách thiết kế và trang trí Nhật Bản, đồng thời được
xây dựng trên nền tảng triết lý “Less is more”, việc trang trí nội thất
theo phong cách Minimalism hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn
giấu bên dưới. Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng trên các mặt phẳng này
chính là những yếu tố quan trọng làm nên phong cách tối giản. Sử dụng những đường
nét đơn giản và sự kết hợp có tính toán của các mặt phẳng, không gian nội thất
theo phong cách này là một tổng thể thống nhất, chặt chẽ về bố cục và nhất là
giữ lại được một không gian kiến trúc đẹp, thoáng đãng, rộng rãi.
Không gian tinh tế với sự sắp xếp
đơn giản của đồ nội thất và màu sắc sử dụng
Tất
cả những gì không cần thiết được coi là thừa thãi và được loại bỏ, từ đường
nét, hình khối kiến trúc cho đến các trang trí nội thất. Bản thân những đồ đạc
nội thất có ý nghĩa công năng cũng được hạn chế tối thiểu, là một thành phần cấu
thành yếu tố trang trí, và được coi như những tác phẩm điêu khắc. Tất nhiên với
hình thức, chi tiết cũng tối giản nhưng tinh tế.
Sự
sử dụng hạn chế về màu sắc trong trang trí là đặc trưng dễ nhận diện nhất của
phong cách này.Thông thường, có không quá ba màu trong không gian nội thất theo
phong cách minimalist style: một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn. Màu
sắc của các mảng tường là màu trung tính nhằm tạo ra một phông đệm cho các vật
dụng trang trí bên trong, hướng sự chú ý của người quan sát đến những điểm nhấn
quan trọng. Phông màu trung tính cũng có tác dụng tạo sự tương phản mạnh mẽ giữa
các thành phần trang trí và có tác dụng tạo sự tương phản mạnh mẽ giữa các
thành phần trang trí và có tác dụng kết nối các thành phần này lại với nhau.
Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ biến trong phong cách Minmalism như một
phong nền trơn nhằm tăng giá trị các đồ đạc xung quanh, đồng thời mang lại hiệu
quả thị giác về một không gian rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn.
Dùng
ánh sáng làm nội thất: do
hạn chế sử dụng màu sắc trong nội thất, ánh sáng trong phong cách Minimalism được
xem như một thành phần trang trí quan trọng để tạo ra các hiệu ứng thị giác và
thẩm mỹ. Việc sử dụng ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên, được chú trọng nhằm
nhấn mạnh các khu vực quan trọng và tạo ra bóng đổ với hiệu quả cao để tôn lên
các hình khối của vật dụng và các thành phần kiến trúc khác. Ánh sáng tự nhiên
được lọc qua các rèm cửa, các bình phong chắn, xuyên qua các tán cây bên ngoài
một cách có chủ đích để khi xuyên vào đến không gian bên trong đạt được hiệu quả
chiếu sáng và thẩm mỹ mà người thiết kế đã định hướng trước. Ánh sáng nhân tạo
được chọn lọc một cách cẩn thận để nhấn mạnh được hình dạng và cấu trúc của các
thành phần trang trí nội thất.
Các
thành phần trang trí nội thất cũng như vật dụng, bàn ghế được sử dụng ở mức độ
tối giản, nhưng vẫn đáp ứng được đòi hỏi về tiện nghi sử dụng. Bàn ghế
trong nội thất theo phong cách Minimalism đều có hình dạng đơn giản, hài hoà và
hiện đại, được làm nên từ các đường nét không cầu kỳ nhưng tinh tế. Các vật dụng
này một mặt đáp ứng được nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của con người, mặt khác
cũng chính là những thành phần trang trí cho nội thất bên trong. Bàn ghế không
chỉ là nơi để ngồi mà còn được xem là những tác phẩm điêu khắc làm nên nét đẹp
cho không gian bên trong.
Một
phong cách sống phù hợp: phong
cách tối giản được áp dụng trong thiết kế nội thất văn phòng một cách dễ dàng.
Không gian làm việc thường được yêu cầu sắp xếp và bố trí gọn gàng, đồng thời vẫn
đáp ứng được công năng sử dụng một cách tốt nhất. ĐIều này phù hợp với các tiêu
chí của trường phái minimalist style. Và mặc dù đa số các văn phòng làm việc sử
dụng ánh sáng nhân tạo là nguồn chiếu sáng chính, càng về sau này xu hướng tận
dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên ngày càng được phổ biến.
Không
chỉ là một phong cách trang trí nội thất và kiến trúc, Minimalism còn biểu
hiện được phong cách sống của chủ nhân. Với phương châm loại bỏ những gì không
cần thiết, phong cách này thật sự thích hợp với những người thích ngăn nắp, tự do
và phóng khoáng. Platon, nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng từng nói: “ Cái
đẹp của phong cách, của sự hài hoà, của sự duyên dáng và nhịp nhàng phụ thuộc
vào sự đơn giản”. Người Châu Âu sau một thời gian dài say mê với các chi
tiết cầu kỳ, hoa văn phức tạp lại quay sang đi tìm cái đẹp trong sự đơn giản. Với
nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, tính cạnh tranh trong công việc ngày càng lớn
và mật độ dân số ngày càng tăng, một không gian thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng
trở thành điều mà mọi người mơ ước. Đó có lẽ là lý do giải thích tại sao phong
cách này lại đạt được ảnh hưởng và thành công lớn như thế trong trang trí nội
thất nói riêng và thiết kế kiến trúc nói chung tại châu lục này.
Hi
vọng với bài viết trên sẽ bổ sung những thông tin hữu ích cho bạn. Thiên Phố
luôn tự hào là một trong những đơn vị thiết kế, thi công và xây dựng nhà ở (nội
ngoại thất) trọn gói uy tín tại Tp.HCM, luôn đồng hành và giúp khách hàng xây dựng
tổ ấm trong mơ thành hiện thực, mang lại cho bạn những giá trị đích thực của cuộc
sống với không gian sống đẹp cùng những món đồ nội thất thông minh, tiện nghi
và đẳng cấp. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo đường dây nóng (028) 54173837
để được tư vấn và hỗ trợ về các giải pháp thiết kế xây dựng nhà ở “hot” nhất hiện
nay các bạn nhé.
Nhận xét
Đăng nhận xét