Đừng nhầm lẫn khái niệm "Thiết kế nội thất" với khái niệm "Trang trí nội thất"


Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, các trang truyền thông kiến trúc, giới thiệu nhà đẹp và sự đi lên của một tầng lớp trí thức trẻ, việc tiếp cận thông tin về thiết kế kiến trúc, nội thất chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Bạn chỉ cần ngồi nhà với chiếc điện thoại, laptop hay máy tính bảng, lướt những trang mạng, những bài báo hướng dẫn sắp xếp nhà cửa ra sao, chọn màu sơn thế nào, mua đồ ở đâu hay đầy rẫy mẫu nhà với đủ bản vẽ. Đôi khi còn là bài chia sẻ “tự thiết kế nhà” của dân “nghiệp dư” nào đó. Bạn bỗng nhận ra “Dễ thế nhỉ. Mình cũng tự làm được”. Nhưng liệu có thật là như thế?

Thiết kế kiến trúc, nội thất nhà ở tại Việt Nam trong những năm vừa qua nổi lên như một thị trường tiềm năng cho các văn phòng thiết kế vừa và nhỏ khi hàng trăm dự án nhà cao tầng, chung cư, khu đô thị mới mọc lên với tốc độ chóng mặt. Thay vì tìm đến những chủ thầu xây dựng hay những showroom nội thất để sắm đồ theo cách truyền thống thì khách hàng đã biết lựa chọn đơn vị thiết kế chuyên nghiệp để phù hợp với nhu cầu sử dụng, đặt nhiều tâm huyết vào không gian sống và tổ ấm nhỏ của mình. Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho giới thiết kế khi gặp được khách hàng tâm huyết và có gu. Thêm vào đó, vẫn có những trường hợp chủ nhà tự tay trang trí và cho ra sản phẩm đẹp.

Những ngày gần đây, trên trang mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều hội, nhóm chia sẻ nội thất nhà tự hoàn thiện, với con số thành viên lên tới hàng trăm ngàn. Một con số quan tâm đáng kinh ngạc nếu xét về lĩnh vực thiết kế nhà ở, nội thất. Đây có lẽ nên là niềm vui của những người hành nghề, những người trực tiếp ngày đêm vẫn trăn trở làm sao kiến tạo không gian sống Đẹp, khi nhận được sự chú ý nhiều đến như vậy. Từ nguồn hội nhóm này cũng phát sinh sự tranh cãi giữa việc “có nên thuê chuyên gia thiết kế” hay chủ nhà tự tay làm được đưa ra bàn luận.


Thiết kế nội thất liệu có phải chỉ là đặt đồ trang trí?

Trước hết, chúng ta cần phải làm rõ hai khái niệm sau đây “thiết kế kiến trúc/nội thất” và “trang trí nhà cửa”. Vì dường như, một cách vô tình hay cố ý, cộng đồng những người yêu nhà đang bị nhầm lẫn nghiêm trọng khi phân biệt một thiết kế “có đầu tư” của đơn vị tư vấn với “sản phẩm tự hoàn thiện” của chủ nhà. Hai khái niệm này thường xuyên bị sử dụng sai cách, trên thực tế có rất nhiều điểm tương đồng. Thậm chí “chuyên viên trang trí nội thất” còn là một nghề được ưa thích tại các nước phương Tây.

Thiết kế kiến trúc/nội thất

Đây là một nghề đòi hỏi phải được đào tạo chính quy và cấp bằng bởi đơn vị giáo dục; bằng Kiến trúc sư hoặc Cử nhân Nội thất. Các công việc thường bao gồm việc nghiên cứu, quy hoạch, sắp đặt không gian, màu sắc, kết hợp đồ nội thất, v.v, thường sử dụng các phần mềm thiết kế hỗ trợ để đưa ra sản phẩm trực quan trước khi tiến hành thi công thực tế. Ngoài hình ảnh thì đi kèm cần có là bộ hồ sơ với bản vẽ kỹ thuật đầy đủ, chính xác. Công việc của họ là tư vấn và làm việc với khách hàng để đưa ra sản phẩm kiến trúc (có yếu tố xây dựng, kết cấu), hoặc sản phẩm nội thất (nhà ở, văn phòng, khách sạn), đáp ứng yêu cầu đưa ra. Với những công trình cần đụng chạm tới hệ kết cấu như xây mới, sửa đổi và cải tạo lại không gian, liên quan việc xin phép xây dựng thì riêng Kiến trúc sư chủ trì thiết kế cần phải có giấy phép hành nghề được cấp bởi đơn vị quản lý.

Căn hộ được thiết kế nhằm đảm bảo tối ưu hóa công năng, đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà.

Trang trí nhà cửa/trang trí nội thất

Ngay cả những người hành nghề “trang trí nội thất” cũng không bắt buộc phải được đào tạo chính thức hay cấp bằng. Có thể nói rằng, ai cũng có khả năng làm được vì đây là công việc tập trung chủ yếu vào thẩm mỹ và không tham gia cải tạo hoặc thay đổi cấu trúc công trình. Nhiều nhà trang trí nội thất chuyên nghiệp có bằng đại học trong các lĩnh vực liên quan, nhưng nó không phải là một yêu cầu để làm nghề. Mặc dù không cần bằng cấp, nhưng vẫn có những khóa học ngắn hạn cấp chứng chỉ cho “trang trí nội thất”, hoặc tự tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm.

Nói đơn giản thì “thiết kế nội thất” là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học để hiểu hành vi của người dùng nhằm kiến tạo không gian chức năng trong một tòa nhà. Trang trí nội thất hay trang trí nhà cửa (nghĩa hẹp hơn), để chỉ việc lựa chọn đồ nội thất và tô điểm cho một không gian theo phong cách cụ thể mà hiếm khi tác động tới cấu trúc của công trình. Các nhà thiết kế kiến trúc, nội thất áp dụng các giải pháp sáng tạo và kỹ thuật trong một cấu trúc có chức năng, hấp dẫn và có lợi cho người sử dụng. Các thiết kế phải đáp ứng và phối hợp với vỏ tòa nhà phù hợp với vị trí thực tế, cũng như bối cảnh xã hội của dự án. Các thiết kế phải tuân thủ các yêu cầu về quy định, tiêu chuẩn xây dựng và khuyến khích tuân theo các nguyên tắc bền vững môi trường.

Kiến trúc sư sẽ là người sáng tạo những không gian riêng, độc đáo, duy nhất.

Thứ quan trọng nhất mà những nhà thiết kế chuyên nghiệp mang lại giá trị cho các bạn đó là thay đổi công năng sử dụng tối ưu hóa nhất – phù hợp với từng hình thể căn nhà khác nhau. Vẻ đẹp của căn nhà không phải chỉ là mấy bản vẽ render 3D nịnh mắt. Chất xám của kiến trúc sư cũng nằm ở những góc xử lý chi tiết đặc biệt mà các bạn đôi khi không nhìn ra được, hoặc nằm ẩn sâu trong vận hành của những món đồ đạc đặc biệt.

Việc nhiều người tự trang trí nhà cửa và cho rằng đó là thiết kế. Thế nên, nếu các bạn lên Pinterest và copy lại một hình ảnh nào đó, nó chỉ giải quyết vấn đề bề nổi của không gian các bạn muốn. Nó y như các bạn đọc tạp chí thấy một bộ váy rất đẹp và kiểu tóc đèm đẹp và đem về sao chép lại. Vì là thứ liên quan đến thẩm mỹ nên yếu tố năng khiếu và độ nhạy cảm mỹ học rất quan trọng. Có những người nghiệp dư có thể trang trí còn đẹp hơn dân chuyên nghiệp (tôi chỉ nói về trang trí). Nhưng xin nhắc lại, thực sự những người đó tồn tại trên đời rất ít, và khó có thể là bạn.

Người hành nghề thiết kế kiến trúc, nội thất hiểu rõ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cách sử dụng vật liệu, đưa ra giải pháp thiết kế và thi công phù hợp cho ngôi nhà của bạn.

Trong một đất nước đang phát triển từng giờ, mỗi ngày lại có hàng trăm thiết kế được thông qua, hàng nghìn căn hộ được bàn giao hoàn thiện, thì những khái niệm về thiết kế vẫn còn đang lẫn lộn. Khi người người, nhà nhà đua nhau “làm thiết kế kiến trúc, nội thất”, những biển hiệu “ở đây có thiết kế” được treo trên những trang web online, những hình ảnh 3D hay cóp nhặt lung linh đánh vào thị hiếu được in trên những tờ rơi quảng cáo với mức giá “hấp dẫn”, “giảm giá hết cỡ”, hay “miễn phí thiết kế” nếu ký hợp đồng thi công của các nhà thầu, nhà xưởng, công ty thi công hay thậm chí không xác định nổi năng lực hành nghề tràn lan trên mạng xã hội. Chính những thành phần tự nhận mình là “kiến trúc sư nội thất” hay “dịch vụ thiết kế” không được đào tạo chính quy đã làm nhũng loạn thị trường và làm sai đi tính chất của cụm từ “thiết kế”. Chỉ cần gõ cụm từ “thiết kế tư vấn nội thất” trên trang tìm kiếm Google, sau 0.45 giây với gần 69 triệu kết quả. Một con số quá lớn, bao nhiêu trong số đó là những người làm nghề thiết kế chân chính? Một cộng đồng quan tâm đến cái đẹp, quan tâm đến thiết kế là không sai, nhưng để định hướng cộng đồng ấy có cái nhìn đúng đắn về nghề thiết kế thì quả thực không hề dễ dàng.

Công việc thiết kế chưa bao giờ là dễ dàng đối với các Kiến trúc sư, chuyên gia nội thất, những người được đào tạo bài bản qua trường lớp và có nhiều kinh nghiệm làm việc. Còn đối với khách hàng, có lẽ chỉ các bạn mới là người đưa ra quyết định chính xác, thông thái nhất cho không gian sống của chính mình.

Hi vọng với bài viết trên có thể giúp bạn hiểu được đâu mới là nơi bạn nên đặt niềm tin và tâm huyết để có được 1 mái ấm như ý và vẹn toàn theo đúng sở thích của mình nhé.

https://thienpho.com/tin-tuc/Dung-nham-lan-khai-niem-Thiet-ke-noi-that-voi-khai-niem-Trang-tri-noi-that-266.html

                                                                                                                                www.thienpho.com

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

35:35 Slope House / 77 Studio architecture

TOMORE zero Co-working Space / SIDES CORE

Phong cách thiết kế nội thất Industrial